Mình thấy có rất nhiều câu hỏi như thế này trên nhóm facebook cộng đồng đầu tư. Và phần bình luận cũng rất sôi nổi với vô vàn phương án, đọc hết chắc người hỏi càng thấy rối rắm hơn.
Hỏi câu này cũng tương tự như bạn hỏi: Có 50.000 đồng nên ăn gì mọi người? Sẽ có anh A khuyên nên ăn phở, chị B nói nên ăn bún bò, chú C bảo ăn bánh mì, thím D nói ăn bánh cuốn…
Bạn tham khảo rồi cuối cùng quyết định chọn ăn món hợp khẩu vị mình nhất. Có tiền thì phải ăn món mình thích chứ.
Đầu tư cũng vậy, bạn cần phải biết gu của mình.
Bạn muốn lãi bao nhiêu
Đa số các bạn sẽ trả lời là càng cao càng tốt. Nhưng cao là bao nhiêu? Thời gian bao lâu?
Mình thấy có một thói quen phổ biến là mọi người ít khi xác định mức lãi suất mình muốn trước khi “xuống tiền”. Kiểu như có tiền nhưng không biết ăn món gì.
Tại điểm xuất phát, chúng ta sẽ lấy lãi suất tiết kiệm ngân hàng làm mốc. Giả sử bạn gửi 150 triệu vào ngân hàng với mức lãi suất bình quân 5.5% trong 3 năm. Năm thứ 3 bạn sẽ có cả vốn lẫn lời là 176 triệu.
Để cho ví dụ đơn giản thì mình bỏ qua yếu tố lạm phát và làm tròn số. Như vậy, bạn không cần phải làm gì cả thì tiền của bạn cũng sinh lợi với mức lãi suất 5.5% mỗi năm. Nhưng bạn muốn lãi cao hơn, 10% hay 15% thì làm sao? Hay bạn muốn có 200 triệu sau 3 năm thì làm sao?
Xem thêm >> 3 phương pháp học đầu tư chứng khoán.
Mức chấp nhận rủi ro trong đầu tư
Có câu chúng ta vẫn thường nghe ‘high risk – high return’. Lãi suất cao luôn đi kèm với rủi ro cao. Rủi ro ở đây là bạn chấp nhận mất hoặc bị lỗ số vốn mình bỏ ra.
Mình tạm chia độ rủi ro thành 3 mức. An toàn, Cân bằng và Mạo hiểm theo tỷ lệ vốn phân bổ cho tiết kiệm và đầu tư.
Bên dưới là bảng minh họa cho 3 phương án. Giả sử lãi suất tiết kiệm 6% và đầu tư 10%.
Sau 3 năm:
Với phương án An toàn bạn có 185 triệu, tương đương mức lãi suất 7.2%/năm
Phương án Cân bằng 189 triệu, tương đương mức lãi suất 8.0%/năm
Phương án Mạo hiểm bạn có 195 triệu, tương đương mức lãi suất 9.2%/năm
Như vậy, để có lãi suất cao hơn chúng ta có 2 biến là số vốn chịu rủi ro và lãi suất đầu tư.
Tìm kiếm kênh đầu tư
Sau khi chọn phương án phù hợp, bước quan trọng tiếp theo là phải tìm kênh có lãi suất cao. Với số vốn nhỏ, thì có các kênh sau:
Cổ phiếu
Thị trường chứng khoán luôn là kênh đầu tư được đánh giá có mức sinh lời tốt nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể kiếm lợi nhuận từ cổ phiếu nếu không có kiến thức.
Chứng chỉ quỹ mở, quỹ ETF
Nếu bạn không có thời gian để tìm hiểu chứng khoán thì mua chứng chỉ quỹ chỉ số, quỹ ETF là một lựa chọn an toàn. Bạn có thể đạt được mức sinh lời bình quân của thị trường.
Cho vay
Bạn có thể cho bạn bè, đồng nghiệp vay vốn với mức lãi suất thỏa thuận.
Tự kinh doanh
Hoặc góp vốn kinh doanh. Đây là hình thức đầu tư có rủi ro cao. Nhưng nếu bạn quản lý tốt thì mức sinh lợi có thể lên đến 20% – 25%.
Xem thêm >> Kiến thức đầu tư Chứng chỉ quỹ cho người mới
LỜI KẾT
Qua bài viết này mình hy vọng đã trả lời cụ thể nhất cho câu hỏi “có 150 triệu đầu tư gì”. Về cơ bản, bạn cần xác định số tiền bạn chịu rủi ro là bao nhiêu. Và tìm kiếm các kênh đầu tư phù hợp với mình nhất.
Nếu bạn thấy nội dung bài viết có giá trị với bạn, hãy share bài viết để ủng hộ 35 PLUS LIFE nhé!
Chúc các bạn đầu tư thành công!