Nghiên cứu tâm lý học về nguyên nhân chúng ta bị phụ thuộc cảm xúc vào các mối quan hệ một cách vô thức. Và cách để yêu thương không phụ thuộc.
“We’re all born alone, die alone. Tất cả chúng ta đều sinh ra một mình, chết đi một mình” là câu nói mang lại cho mình sự thức tỉnh về mặt cảm xúc, theo nghĩa tích cực.
Chúng ta đã đến với thế giới này một mình. Và sẽ rời đi chỉ một mình. Mình tự hỏi, trạng thái một mình có phải là điều tự nhiên nhất đối với một con người? Nếu đã là tự nhiên, vì sao chúng ta lại có cảm giác luôn cần ai đó bên cạnh?
Sự phụ thuộc cảm xúc (Emotional Dependency)
Hầu hết chúng ta đều phụ thuộc cảm xúc vào những mối quan hệ xung quanh một cách vô thức. Lúc còn bé, chúng ta sợ hãi khi bố mẹ nổi giận. Đến tuổi đi học, chúng ta buồn bã khi bạn bè nghỉ chơi. Đi làm, chúng ta bất an nếu bị đồng nghiệp cô lập, nói xấu. Và đặc biệt là trong mối quan hệ tình cảm, chúng ta sẽ cực kỳ đau khổ, tức giận nếu bị người mình yêu bỏ rơi, phản bội…
Tùy vào trải nghiệm trong quá khứ, mà mỗi người có một mức độ phụ thuộc cảm xúc khác nhau. Sự phụ thuộc của một người có thể xảy ra với các thành viên trong gia đình, với bạn đời, hoặc các mối quan hệ xã hội.
Một số biểu hiện của người phụ thuộc cảm xúc là:
- Không thể ở một mình, luôn cần ai đó bên cạnh.
- Quan tâm đối phương quá mức, với mong muốn được đáp lại.
- Cảm thấy lo lắng, căng thẳng khi đối phương dành thời gian cho người khác, hoặc việc khác.
- Chấp nhận một mối quan hệ không lành mạnh vì sợ cô đơn.
- Thể hiện quá mức, mong đợi sự công nhận từ mọi người xung quanh.
- Thường xuyên cảm thấy trống rỗng từ bên trong.
- Luôn có cảm giác ghen tỵ, muốn chiếm hữu hoặc muốn nhiều hơn.
Đi tìm nguyên nhân
Nghiên cứu tâm lý học chỉ ra, phụ thuộc cảm xúc là hành vi bản năng. Chức năng của nó là để bảo vệ và kích thích sự phát triển cảm xúc của chúng ta trong thời thơ ấu. Phụ thuộc cảm xúc thúc đẩy trẻ em tìm kiếm:
- Sự an toàn, bảo vệ của người lớn
- Tình yêu thương và sự chăm sóc
- Sự hướng dẫn của cha mẹ
Sự phụ thuộc này bắt đầu từ khi mới sinh ra và thường chấm dứt khi trẻ vào tuổi dậy thì. Ở giai đoạn vị thành niên, con người đã có tình cảm và suy nghĩ riêng, và có thể tự chủ về cảm xúc.
Mặc dù đây là một quá trình của tự nhiên, nhưng phần lớn thường thất bại vì cha mẹ hoặc những người lớn mà trẻ bị phụ thuộc thời thơ ấu cũng chưa đạt được sự độc lập về cảm xúc. Do đó họ không thể làm mẫu hoặc dạy con mình trưởng thành về cảm xúc.
Vì chưa thể tự chủ về mặt cảm xúc, thanh thiếu niên sẽ tiếp tục phụ thuộc tình cảm vào cha mẹ mình. Hoặc chuyển những nhu cầu tình cảm sang người khác như người yêu, bạn bè, và các mối quan hệ xã hội. Và tiếp tục như vậy cho đến khi trưởng thành, dẫn đến hình thành trạng thái phụ thuộc cảm xúc ở người lớn (Adult Emotional Dependency).
Tình yêu đến từ bên trong
Sự phụ thuộc chỉ chấm dứt khi con người có được sự trưởng thành về mặt cảm xúc. Độc lập cảm xúc (Emotional Independence) được định nghĩa là khả năng nội tại cho phép bản thân biết mình có thể xử lý cảm xúc, trong bất kỳ tình huống nào. Nó có nghĩa là bạn tự mình xây dựng ý thức về bản thân mà không phụ thuộc vào người khác làm cho bạn hạnh phúc, hoặc nói cho bạn biết mình là ai.
Nếu ví tình yêu như là một tài sản có giá trị lớn. Giả sử là kim cương hay vàng bạc châu báu. Liệu bạn có trao cho người khác giữ hộ không? Hay chúng ta tự tay chăm sóc và nâng niu tài sản của chính mình?
Khi trả lời câu hỏi này, chúng ta nhận ra việc phụ thuộc tình cảm vào người khác là cực kỳ rủi ro. Nó dẫn đến những mất mát, tổn thương mà có thể rất nhiều năm chúng ta mới hồi phục được.
Vì vậy, chỉ khi chúng ta biết tự yêu thương bản thân và phát triển tình yêu bên trong, chúng ta sẽ biết trao đi tình yêu đúng cách.
Xem thêm >> Hành trình làm bạn với chính mình.
Yêu không phụ thuộc
Chúng ta chỉ có thể cho đi những gì mà chúng ta có. Bao gồm cả tình yêu.
Ngược lại với cảm xúc tiêu cực như lo lắng, bất an, đau khổ, hay giận dữ của một tình yêu phụ thuộc cảm xúc. Tình yêu không phụ thuộc luôn đi kèm với những cảm xúc tích cực như chấp nhận, tin tưởng, ủng hộ, thấu hiểu, an tâm và hạnh phúc.
Dù đó là mối quan hệ với bạn đời, với con cái, hay cha mẹ, bạn bè, chúng ta đều có thể trao đi tình yêu một cách bình an. Với sự nhận thức đầy đủ về tình yêu đến từ bên trong.
“We’re all born alone, die alone”.
—
Bài viết có tham khảo từ các nguồn: