Khái niệm ‘Ngân hàng giám sát’ có thể còn khá xa lạ với nhiều nhà đầu tư quỹ mở. Hãy cùng tác giả tìm hiểu Ngân hàng giám sát (tiếng anh Supervisory Bank) là gì qua bài viết này nhé.
Ngân hàng giám sát là gì
Theo định nghĩa của Luật chứng khoán, Ngân hàng giám sát là ngân hàng thương mại có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp, thực hiện các dịch vụ lưu ký và giám sát việc quản lý quỹ.
Hiểu đơn giản, Ngân hàng giám sát là một ngân hàng thương mại đáp ứng đủ điều kiện quy định để thực hiện việc lưu giữ tài sản của quỹ và giám sát hoạt động quản lý quỹ.
Để rõ hơn vai trò của Ngân hàng giám sát, chúng ta có thể hình dung quỹ đầu tư như là một công ty cổ phần. Trong đó, nhà đầu tư là cổ đông, công ty quản lý quỹ là CEO – người điều hành hoạt động kinh doanh và Ngân hàng giám sát có vai trò như CFO – người quản lý sổ sách, theo dõi thu chi, thực hiện báo cáo tài chính.
Vai trò đối với quỹ mở
Sau đây là một số vai trò chính của Ngân hàng giám sát đối với quỹ mở:
- Lưu ký tài sản: lưu ký và bảo quản các tài sản của quỹ mở, bao gồm tiền mặt, chứng khoán và các tài sản khác, giúp đảm bảo rằng tài sản của quỹ được quản lý một cách an toàn, tách biệt.
- Kế toán quỹ: thực hiện hoạt động thu, chi, thanh toán và chuyển giao tài sản liên quan đến hoạt động của quỹ. Ngoài ra, Ngân hàng giám sát cũng đối chiếu các báo cáo tài chính, sổ kế toán về các giao dịch và tài sản của quỹ mở. Điều này giúp công ty quản lý quỹ và các nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng và minh bạch về tình hình tài chính của quỹ.
- Giám sát hoạt động đầu tư: đảm bảo rằng công ty quản lý quỹ tuân thủ các quy định pháp luật và các giới hạn đầu tư theo điều lệ quỹ.
Có thể nói, một trong những vai trò quan trọng nhất của Ngân hàng giám sát đó là bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư. Bằng việc giám sát và kiểm soát các hoạt động của quỹ, Ngân hàng giám sát giúp đảm bảo rằng tài sản của nhà đầu tư được quản lý một cách an toàn, cẩn trọng.
Nhờ vào sự tham gia của Ngân hàng giám sát như là một bên thứ ba độc lập mà quỹ mở có thể hoạt động một cách minh bạch, tuân thủ pháp luật, đồng thời tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Xem thêm >> Thông tin về quỹ mở
Thông tin tham khảo
Quy định pháp luật về Ngân hàng giám sát
Để tìm hiểu thêm về Ngân hàng giám sát theo quy định của pháp luật, mời bạn tham khảo thêm:
- Điều 116 Ngân hàng giám sát, Luật Chứng khoán
- Điều 73. Các quy định chung về ngân hàng giám sát, Thông tư 98/2020/TT-BTC Hướng dẫn hoạt động và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (Thông tư 98)
- Điều 74. Hoạt động lưu ký của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát (Thông tư 98)
- Điều 75. Hoạt động giám sát quỹ của ngân hàng giám sát (Thông tư 98)
Danh sách Ngân hàng thương mại được cấp phép hoạt động lưu ký chứng khoán
- Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt nam
- Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Ngoại Thương Việt Nam
- Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam)
- Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (Việt Nam)
- Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Shinhan Việt Nam
- Deutsche Bank AG, Chi nhánh TP. HCM
- Ngân hàng Citibank, N.A. – Chi nhánh Hà Nội
- Ngân hàng SinoPac – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Woori Việt Nam
- Ngân hàng Bangkok Đại chúng Trách nhiệm hữu hạn CN TPHCM
- Ngân hàng TNHH Indovina
- Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Công Thương Việt Nam
- Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Tiên Phong
- Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội
- Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam
- Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng
—
Cảm ơn bạn đã đọc bài. Vui lòng tham khảo Bản quyền nội dung trước khi sử dụng thông tin trong bài viết này.