Người giàu ở nước nghèo hay người nghèo ở nước giàu

Gần 20 năm trước, một người bạn đã hỏi mình “Bạn muốn trở thành người giàu ở nước nghèo, hay người nghèo ở nước giàu?”. Khi ấy, mình trả lời ngay rằng mình chọn làm người giàu ở nước nghèo. Vì giàu thì cuộc sống thoải mái hơn, cũng có nhiều sự lựa chọn hơn.

Ở đây để đơn giản, người giàu được hiểu là mức thu nhập của họ cao hơn so với mức thu nhập bình quân, và cao hơn so với giá cả hàng hóa dịch vụ tại quốc gia đó. Và người nghèo thì ngược lại. Còn nước nghèo là nước có thu nhập quốc gia (GNI) thấp hơn nước giàu.

Người giàu ở nước nghèo

Sau này, khi sang Lào làm việc mình đã có cơ hội trải nghiệm là một người giàu ở nước nghèo. Với mức thu nhập tương đương như tại Việt Nam, nhưng sống ở Vientiane mình có thể chi tiêu cho những dịch vụ cao cấp hơn. Ví dụ như thuê nhà biệt thự, thường xuyên ăn uống ở nhà hàng sang trọng, sử dụng dịch vụ 5 sao, chơi golf mỗi cuối tuần… 🙂

  • IMG 20180818 171723 213
  • 20180616 190010
  • 20180616 190946
  • 20181103 125314
  • 20180603 132705
  • IMG 20200604 220104 351

Đó là mặt tốt đẹp của việc sinh sống ở những nước có mức sống thấp hơn thu nhập. Nhưng cũng có mặt trái, đó là cơ sở hạ tầng y tế ở Lào rất kém. Nếu chẳng may đau ốm nặng bất ngờ, dù có nhiều tiền đến đâu, mình cũng không thể tiếp cận được dịch vụ y tế tốt hơn.

Y tế và giáo dục luôn là vấn đề của người giàu khi sinh sống ở những quốc gia kém phát triển. Đây là lý do nhiều người khi đã tích lũy được một số tiền nhất định, họ quyết định đi định cư ở nước giàu hoặc sở hữu thêm quốc tịch thứ hai, thứ ba…  

Xem thêm >> Định nghĩa người giàu

Người nghèo ở nước giàu

Có lẽ bạn cũng như mình, đôi khi thắc mắc vì sao một số người đang có cuộc sống rất khá giả ở quê nhà, lại chọn đi định cư ở các nước phát triển. Họ bỏ tất cả sự nghiệp đã gầy dựng để đến một đất nước mới và bắt đầu lại từ con số 0. Họ chấp nhận trở thành người nghèo ở nước giàu.

Chúng ta tạm bỏ qua những hoàn cảnh cá nhân đằng sau sự lựa chọn của mỗi người. Mà cùng xem số liệu thu nhập bình quân, để so sánh xem người giàu ở nước nghèo và người nghèo ở nước giàu ai kiếm được nhiều tiền hơn.

Bên dưới là tính toán của giáo sư Dani Rodrik ở Đại học Harvard Kennedy trong một dự án của ông vào năm 2019. Ông so sánh thu nhập của người nghèo ở quốc gia thu nhập cao nhất (chiếm 1% GNI) với người giàu ở quốc gia thu nhập thấp nhất (chiếm 25% GNI) và đưa ra kết luận: Thu nhập bình quân của một người nghèo ở nước giàu hơn gấp đôi thu nhập của một người giàu ở nước nghèo.”

người giàu người nghèo

Giờ đây sau 20 năm, để trả lời câu hỏi “Bạn muốn trở thành người giàu ở nước nghèo, hay người nghèo ở nước giàu?”, mình sẽ chọn trở thành…

Người có giá trị, ở bất cứ nơi đâu cần

Qua số liệu trên, có thể thấy việc trở nên giàu hay nghèo chỉ mang tính tương đối. Một người nghèo ở nước giàu có thể trở thành người giàu, nếu ở nước nghèo.

Bản thân mình không ngại sống ở nước nghèo, cũng không tìm mọi cách để được sống ở nước giàu. Mình chỉ ngại sống ở nơi mà bản thân không làm được gì, không đóng góp được giá trị cho nơi mình đang sống.

Mình sẽ chẳng bao giờ tự hào với bản thân nếu là một người nghèo ở nước giàu sống nhờ trợ cấp xã hội. Hay một người giàu có ở nước nghèo nhưng sống một đời nhàn nhã vô nghĩa, không mục đích. Khi có cơ hội sống ở bất cứ đâu, mà ở đó giá trị của bản thân mình được công nhận, được làm việc và cống hiến nhiều nhất, mình sẽ chọn ở đó.

Kết

Giá trị của một con người, không nằm ở quốc tịch mà người đó có. Chúng ta có quyền chọn sống ở bất cứ đâu, để có thể sống tốt nhất với giá trị của mình. Dù nghèo hay giàu, nhưng chắc chắn một điều là cuộc đời của chúng ta sẽ không trở nên vô nghĩa.

Cảm ơn bạn đã đọc bài.

Chia sẻ suy nghĩ của bạn

Index