giấc mơ vietlott
Cuối tuần rồi khi ngồi tám chuyện với bạn bè, một người bạn của mình kể rằng công ty bạn lập nhóm nhỏ để mua vé số Vietlott mỗi tuần. Để cho vui và biết đâu may mắn trúng số, tất cả sẽ cùng nộp đơn nghỉ việc.
Thì ra, những người đi làm văn phòng như mình đều có một giấc mơ chung. 🙂
Một giấc mơ, nếu thành hiện thực
Vào trang Vietlott.vn xem, thấy giải thưởng cao nhất đang là 180 tỷ đồng. Chà, nếu trúng số 180 tỷ, mọi người sẽ làm gì với số tiền đó?
Từ đây, câu chuyện của chị em bắt đầu rôm rả.
- Đầu tiên, chị sẽ trả hết nợ nần, xây nhà mới cho bố mẹ, số còn lại gửi ngân hàng và sử dụng số tiền lãi để du lịch khắp thế giới.
- Nếu trúng số, tui sẽ mua đất, mua biệt thự nghỉ dưỡng, mua căn hộ để cho thuê chứ không gửi ngân hàng.
- Còn em sẽ sử dụng một nửa số tiền đó cho riêng mình, làm bất cứ điều gì mình thích. Nửa còn lại em sẽ làm từ thiện, hoặc giúp đỡ những người xung quanh gặp khó khăn.
Cứ như thế, rất nhiều kế hoạch, nhiều ước mơ được chia sẻ khi trở thành người giàu có. Cảm giác có nhiều tiền thật là tuyệt! Có tiền là có tất cả!
Vì sao người trúng số thường phá sản
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những người trúng số khả năng tuyên bố phá sản trong vòng từ 3 đến 5 năm, cao hơn so với người Mỹ bình thường. Nhà kinh tế học Jay L. Zagorsky cho biết: “Các nghiên cứu phát hiện ra rằng thay vì giúp mọi người thoát khỏi khó khăn tài chính, trúng số lại khiến mọi người gặp nhiều rắc rối hơn. Vì thế tỷ lệ phá sản tăng cao đối với những người trúng xổ số từ 3 đến 5 năm sau khi trúng số”.
Một thống kê khác cho biết 55% người mua vé số tại Mỹ có thu nhập bình quân $50,000/năm. Trong khi thu nhập trung bình ở Mỹ khoảng $66,000/năm.
Nguyên nhân người trúng số nghèo trở lại vì đa phần họ là người nghèo trước khi trúng số, và họ không có khả năng quản lý tài sản lớn.
Xem thêm >> Squid game dạy ta điều gì về nợ nần
Học cách đầu tư như người giàu
Quay lại giấc mơ Vietlott, để không phải trở về vạch xuất phát, chúng ta cùng tìm hiểu xem cách người giàu quản lý tài sản như thế nào.
Người giàu hay HNWI (High-Net-Worth-Individual) là những người có ít nhất 1 triệu đô la tiền mặt (tương đương 24 tỷ đồng) hoặc tài sản dễ dàng chuyển đổi sang tiền mặt. Nghĩa là, nếu một người có hàng chục hay hàng trăm triệu đô nhưng không thể chuyển ngay thành 1 triệu đô tiền mặt thì cũng không được xem là HNWI.
Bên dưới là danh mục phân bổ tài sản của HNWI (tham khảo diversyfund.com)
Chúng ta vừa được “nghía” qua danh mục tài sản giới siêu giàu. Có thể bạn sẽ tò mò rằng họ sẽ phải tự mình làm tất cả những việc phân bổ tài sản và đầu tư phức tạp trên?
Câu trả lời là không. Người giàu thuê những người giỏi hơn họ, những chuyên gia giúp họ đầu tư và phát triển tài sản. Người giàu sử dụng những công ty quản lý tài sản, quỹ đầu tư để giúp họ làm công việc mà họ không chuyên, hoặc không có thời gian để làm. Đó cũng lý do dịch vụ quản lý tài sản rất phát triển ở các nước giàu.
Xem thêm >> 4 bước xây dựng danh mục đầu tư chứng khoán
Cách để giàu bền vững
Tại Việt Nam, câu chuyện phổ biến hơn trúng số là trúng đất. Chừng 10 năm trở lại đây đã có rất nhiều người giàu lên trong thời gian ngắn nhờ bán đất. Về bản chất, cũng không mấy khác gì trúng số, khi những người nông dân qua một đêm trở thành tỷ phú.
Ở nước mình không có thống kê hay nghiên cứu để biết bao nhiêu phần trăm trong số họ có thể giữ được tài sản lâu bền. Chỉ khi nghe chuyện cậu ấm, cô chiêu phá gia chi tử, người đời lại nghĩ “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.
Thực tế, trên thế giới đã có những gia tộc giàu có suốt hàng trăm năm. Dennis T. Jaffe, một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp gia đình đã phỏng vấn hơn 100 gia đình có tài sản trị giá 100 tỷ đô. Ông tiết lộ cách những gia tộc này duy trì sự giàu có qua nhiều thế hệ như sau.
- Đầu tư vào giáo dục tài chính: Gia tộc giàu có xem giáo dục tài chính là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình. Đối với họ, vốn con người (human capital) mới là tài sản quý giá nhất.
- Xem trọng giá trị hơn giá cả: Họ không hỏi con mình “Con muốn kiếm được bao nhiêu tiền?” mà hỏi “ Con muốn làm điều gì trong đời? Điều gì với con là quan trọng?”
- Sử dụng người tài giỏi hơn họ: Người giàu không ngại ủy thác tài sản cho chuyên gia quản lý. Hoặc thuê người ngoài gia tộc nhưng tài giỏi tham gia điều hành doanh nghiệp, để giúp họ phát triển gia sản một cách bền vững.
Kết
Chúng ta ai cũng ước ao có thật nhiều tiền, với hy vọng tiền sẽ giải quyết những vấn đề mà chúng ta đang đối mặt. Nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại, càng nhiều tiền thì càng phát sinh nhiều vấn đề hơn.
Nếu xem mỗi đồng tiền là một quân lính, thì việc quản lý 10 quân lính dễ dàng hơn nhiều so với 10 vạn quân. Để quản lý được nhiều tiền hơn, chúng ta cần phải học tư duy của người giàu – người có khả năng điều khiển và quản lý hàng trăm tỷ, nghìn tỷ quân tiền.
Cuối cùng thì, người nghèo nếu trúng số cũng không khiến họ giàu. Còn người giàu có phá sản cũng không khiến họ nghèo. Ta là ai quyết định cái ta có – who you are decide what you have.
Nhưng mơ thì vẫn cứ mơ thôi, Vietlott là giấc mơ không của riêng ai. 🙂
who you are decide what you have
—