Một buổi chiều chủ nhật mát mẻ, mình ngồi tâm sự cùng người bạn, vừa nhâm nhi ly bia mát lạnh, vừa nhìn ngắm nắng chiều lấp lánh trên mặt hồ bán nguyệt. Rồi bạn mình chợt hỏi:
- Có bao giờ mày nghĩ đến lúc tụi mình già sẽ như thế nào không?
- Chưa, tao bận nghĩ về tương lai nhiều hơn.
- Thì tuổi già là tương lai đó!
Ừ, đúng thật! Câu nói của bạn mình khiến mình hơi…hoảng hốt. Khi nghĩ đến tương lai thì mình hay nghĩ đến điều tích cực. Kiểu như kế hoạch những việc cần phải làm trong đời, hay danh sách các nơi muốn đến.
Chúng ta – những người ở độ tuổi 30s 40s thực tế là đang quá bận rộn, và có quá nhiều việc cần ưu tiên (như tiền đầu tư, tiền học của con cái, tiền chăm sóc bố mẹ già …) hơn là ngồi nghĩ về tuổi già của chính mình.
—
Giả định bây giờ chúng ta 35 tuổi vào năm 2022, hãy cùng xem bức tranh sau 30 năm nữa, khi chúng ta 65 tuổi – năm 2052 sẽ như thế nào?
Bước tranh 1: Đất nước của những người già trước khi giàu
Theo báo cáo Worldbank (WB), Việt Nam là nước có ‘dân số đang già’ kể từ năm 2015. Dự báo đến năm 2035, Việt Nam chính thức trở thành nước ‘dân số già’. Cơ sở để khẳng định một quốc gia có ‘dân số già’ là khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% hoặc khi số người trên 60 tuổi chiếm từ 20% tổng dân số trở lên.
Đến năm 2050, Việt Nam có tỷ lệ dân số trên 60 tuổi là 25%, tương đương 29 triệu người già, theo dự báo của Tổng cục thống kê.
Gần đây báo chí trong ngoài nước đều nhận định Việt Nam là nước “chưa giàu đã già” hay “già trước khi giàu”. Theo tính toán của WB, để được xem là nước giàu thì một quốc gia phải có GDP bình quân đạt khoảng 12.000 USD.
Năm nay 2022, GDP đầu người của Việt Nam được dự báo sẽ đạt xấp xỉ 4.000 USD. Từ mốc này, giả sử GDP tăng trưởng liên tục ở mức lý tưởng 7% đều mỗi năm, thì cho đến năm 2040 Việt Nam mới đủ điều kiện được xem là nước phát triển.
Tuy nhiên GDP quốc gia là chuyện kinh tế vĩ mô. GDP bình quân đầu người không phải là thước đo thu nhập cá nhân. Vì vậy mà tuổi già của chúng ta lại là một bức tranh khác.
Bức tranh 2: Quỹ lương hưu mất cân đối
Hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ đóng góp bắt buộc từ lương của người đi làm công cho Quỹ hưu trí (thuộc Bảo hiểm xã hội) là 22%. Trong đó, người lao động góp 8%, chủ doanh nghiệp góp 14%. So với các nước trong khu vực, hệ thống hưu trí của Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn cho người lao động.
Có một điều ít người biết là số tiền mà chúng ta đóng góp hàng tháng vào quỹ hưu trí, không được dành riêng để chi trả cho chúng ta khi về già, mà để chi trả cho những người đang nghỉ hưu hiện tại. Lương hưu của chúng ta sẽ do thế hệ sau đóng góp. Vì vậy mà khi số lượng người già tăng, trong khi lực lượng lao động giảm đi sẽ gây áp lực lớn lên quỹ lương hưu.
“Tỷ lệ số người được hưởng hưu trí trên số người có đóng góp được dự báo sẽ tăng nhanh trong hai thập kỷ tới. Số lượng người có đóng góp vẫn tương đối không đổi và giảm dần về dài hạn cùng với dân số trong độ tuổi lao động. Kết quả là tỷ lệ phụ thuộc (số người hưởng hưu trí được hỗ trợ bởi mỗi người đóng góp) tăng đều đặn. Nếu không có cải cách, tỷ lệ này cuối cùng sẽ khiến tài chính của chương trình rơi vào tình trạng thâm hụt” – Trích Báo cáo WB Việt Nam: thích ứng với xã hội già hóa.
Xem thêm >> 3 lý do đầu tư vào quỹ hưu trí tự nguyện
Bức tranh 3: Tuổi già ‘tự lực cánh sinh’
Đến đây, rõ là chúng ta không thể dựa dẫm hoàn toàn vào Quỹ hưu trí công, mà phải chuẩn bị tinh thần ‘tự lực cánh sinh’, lên kế hoạch tài chính ngay từ bây giờ để có một tuổi già an vui, thanh thản.
Tham khảo thêm nếu bạn quan tâm:
- Báo cáo WB Việt Nam: thích ứng với xã hội già hóa
- Báo cáo của Tổng cục thống kê Già hóa dân số và người cao tuổi Việt Nam
—
Vậy chúng ta cần chuẩn bị bao nhiêu tiền cho 1 năm nghỉ hưu, và cho suốt thời kỳ hưu trí, giả sử kéo dài 20 năm (từ 65 tuổi đến năm 85 tuổi)? Mời các bạn đón xem: Chúng ta cần bao nhiêu tiền để nghỉ hưu?
Bài viết hay quá, ngóng chờ bài viết tiếp theo