Vì sao cần quản lý tài chính tuổi 35+

Bạn có thể nghĩ 35 tuổi là quá muộn để quản lý tài chính. Thực ra quản lý tài chính cá nhân là việc bạn phải thực hiện suốt đời như kiểm tra sức khỏe. Càng lớn tuổi, chúng ta càng phải theo dõi sát sao hơn.

Sau đây là những lý do vì sao chúng ta cần quan tâm quản lý tài chính ở tuổi 35+.

Bạn có tiền để quản lý

Hầu hết ở độ tuổi 35 chúng ta đang có một công việc và thu nhập ổn định. Bạn có thể cũng đã mua nhà, mua xe. Hoặc có một khoản tiền tích góp được từ hơn chục năm đi làm.

Chuyện kiếm tiền đã bớt quan trọng hơn so với độ tuổi 25+. Mà chúng ta sẽ đặt mối quan tâm đến việc đầu tư. Từ đồng nghiệp cho đến bạn bè, bạn luôn nghe họ bàn tán về dự án này, căn hộ kia, mã chứng khoán nọ…

Tất nhiên, khi chúng ta có tiền thì sẽ muốn tiền sinh ra tiền. Và đi kèm với đầu tư luôn là rủi ro. Do đó kỹ năng quản lý tài chính để không mất vốn đầu tư rất quan trọng.

Xem thêm >> Cách đầu tư hiệu quả cho phụ nữ tuổi 35+

Bạn có nhiều chi phí

Dù kiếm nhiều tiền hơn khi còn trẻ, nhưng chúng ta cũng có nhiều trách nhiệm tài chính hơn.

Với gia đình, là tiền chung riêng giữa vợ chồng, tiền học phí cho con, tiền trả nợ. Với bố mẹ là tiền biếu, tiền giỗ chạp… Ngoài ra cần có tiền mua sắm, du lịch, giải trí. Tiền dự phòng cho những tình huống khẩn cấp như tiền viện phí, khám chữa bệnh…

Ở giai đoạn này, chúng ta chỉ có 1-2 nguồn thu nhập nhưng có rất nhiều khoản chi phí. Vì vậy, việc phân bổ thu nhập và kiểm soát chi tiêu là cực kỳ cần thiết.

Xem thêm >> Cách lập mindmap quản lý tài chính cá nhân

Bạn sống thọ hơn bạn nghĩ

quan ly tai chinh tuoi 35plus
Biểu đồ tuổi thọ bình quân người Việt Nam | Nguồn: consosukien.vn

Tuổi 35+ có thể nói là độ tuổi đỉnh cao sự nghiệp của phụ nữ. Cho đến tuổi 55 nghỉ hưu, chúng ta có tối đa 20 năm nữa để làm việc. Bạn có thể nghĩ, ôi mình còn đến 20 năm kiếm tiền. Hoặc bạn nghĩ, mình định nghỉ hưu sớm mà, làm thêm 10 năm nữa thôi.

Tuy nhiên, tuổi thọ bình quân của nữ giới tại Việt Nam là 76,3 tuổi (theo thống kê Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019). Nghĩa là chúng ta có đến 21 năm hưu trí! Nếu không có kế hoạch tài chính, liệu chúng ta có thể sống an nhàn suốt 21 năm tuổi già dựa vào lương hưu? Hay phó mặc cho con cái và… số phận?

Xem thêm >> Bảo hiểm hưu trí tự nguyện

Do đó, quản lý tài chính là việc chúng ta phải nghiêm túc nghĩ đến lúc này. Nếu bạn chưa có kế hoạch thì chỉ đơn giản là:

Hãy bắt đầu!

+ Liệt kê chi tiết các khoản thu chi, và quản lý theo từng nhóm một. Có 7 nhóm cơ bản bao gồm: thu nhập, chi phí, khoản nợ, tiết kiệm, đầu tư, bảo hiểm, tài khoản hưu trí.

+ Lập mục tiêu cụ thể cho từng nhóm một.

+ Bổ sung kiến thức bằng cách đọc sách về tài chính để tìm ra phương pháp quản lý tiền phù hợp với mình.

+ Tìm hiểu các kênh đầu tư như chứng khoán, tiền số, chứng chỉ quỹ, bảo hiểm liên kết đầu tư v.v…

+ Nếu bạn không có thời gian, hãy tìm hiểu dịch vụ quản lý tài sản do các tổ chức tài chính hoặc cá nhân cung cấp trên thị trường.

Dù bạn đã có kế hoạch hay chỉ mới bắt đầu, thì hãy nhớ là việc quản lý tài chính luôn đi với chúng ta suốt cuộc đời. Khi quản lý tài chính tốt, chúng ta sẽ có được giá trị còn lớn hơn cả tiền bạc, đó là sự bình yên trong tâm hồn.

Chia sẻ suy nghĩ của bạn

Index