Chưa bao giờ hình thức vay tiền qua app (ứng dụng vay tiền online) lại dễ dàng như hiện nay. Chỉ với vài thao tác đơn giản như tải app, cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản… là ta có thể vay tiền một cách dễ dàng. Vì cho vay một cách nhanh chóng, không cần tài sản đảm bảo nên mức lãi suất của các app vay tiền online thường rất cao.
App vay tiền online có hợp pháp không?
Hiện nay trên thị trường có đến hàng trăm app cho vay tiền online. Ngày càng xuất hiện nhiều app mới và không có thống kê chính thức.
Căn cứ theo giấy phép hoạt động, có thể chia thành 2 nhóm chính: nhóm tổ chức tín dụng và nhóm công ty không phải là tổ chức tín dụng, tạm gọi là nhóm Fintech.
- Nhóm tổ chức tín dụng: bao gồm các công ty tài chính tiêu dùng, thực hiện cho vay theo Luật tổ chức tín dụng và chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Bạn có thể tham khảo danh sách các công ty tài chính tại đây.
- Nhóm Fintech: Các công ty này được thành lập dưới hình thức Công ty cổ phần hoặc TNHH, thực hiện cho vay theo Luật dân sự. Nghĩa là cho vay căn cứ trên thỏa thuận dân sự, giữa người vay và công ty, hoặc bên thứ 3.
Quy định về lãi suất vay tiền online
Có thể bạn thắc mắc sự khác nhau giữa 2 nhóm trên là gì?
Khác nhau cơ bản chính là quy định về lãi suất cho vay. Nhóm tổ chức tín dụng sẽ tuân theo quy định lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi nhóm Fintech theo quy định của Luật dân sự, không vượt quá 20%/năm.
Quy định lãi suất | Xử lý vi phạm | |
Luật dân sự 91/2015/QH13 | Thông tư 39/VBHN-NHNN Quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính | Bộ luật hình sự 100/2015/QH13 |
Điều 468. Lãi suất | Điều 9. Lãi suất cho vay tiêu dùng | Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự |
Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. | Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. | Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. Hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm |
Review lãi suất vay tiền qua app
Dù có quy định lãi suất, nhưng trên thực tế lãi suất các app cho vay online đang áp dụng như thế nào? Bên dưới là lãi suất của một số app công bố trên webiste của họ.

3 điều cần lưu ý trước khi vay tiền qua app
Mình chưa từng vay tiền qua app, do đó cũng không thể review chính xác về lãi suất cho vay thực tế họ áp dụng với khách hàng. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thông tin mình thấy có 3 vấn đề cần lưu ý sau:
#1. Các loại phí liên quan
Đa số các app thường công bố mức lãi suất khá hấp dẫn để thu hút người vay. Mức lãi suất này bằng hoặc dưới 20% theo quy định.
Tuy nhiên, cần lưu ý là luật không quy định về phí, nên sẽ có rất nhiều loại phí liên quan đến khoản vay. Cụ thể, một khoản vay thường đi kèm tới cả chục loại phí như: phí dịch vụ tư vấn, phí xử lý dữ liệu, phí quản lý khoản vay, phí lưu trữ thông tin, phí xử lý thông tin cuộc gọi, phí gia hạn, phí chậm thanh toán….
Nếu người vay đang cần tiền gấp, không cẩn thận đọc kỹ điều khoản hợp đồng. Khả năng cao họ sẽ đồng ý vay với mức lãi suất và các loại phí, mà cộng lại quy ra lãi suất có thể lên tới 100%, thậm chí 1000%.
Về mặt pháp luật, các công ty này không vi phạm quy định lãi suất. Còn người vay thì đã đồng ý các điều khoản vay theo thỏa thuận dân sự. Do đó khả năng họ phải chấp nhận mức lãi suất kèm phí cắt cổ mà không thể kiện được.
#2. Thông tin chủ nợ
Thường khi vay qua app, người vay ít quan tâm chủ nợ của mình là ai, miễn vay được tiền nhanh. Trong khi người vay phải cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân của mình cho chủ nợ, nhưng lại không biết chủ nợ của mình là ai. Họ có uy tín không, có lừa đảo không, có phải dân “xã hội” không.
Hoạt động kinh doanh của các công ty Fintech hiện nay rất đa dạng. Có công ty hoạt động theo đúng hình thức cho vay ngang hàng (P2P Lending) môi giới giữa bên cho vay và bên vay. Nhưng cũng có công ty tự cho vay, hoặc liên kết với bên thứ 3, hoặc công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cho vay.
Việc tìm hiểu chủ nợ của mình là ai trước khi vay sẽ tránh cho người vay rơi vào bẫy “tín dụng đen” mà báo chí gần đây đã phản ánh rất nhiều.
Vậy cần xem thông tin chủ nợ ở đâu? Một số công ty có công bố mẫu hợp đồng vay và thông tin của bên cho vay. Ví dụ: Hợp đồng vay của Oncredit, Hợp đồng vay của MoneyVeo.
#3. Bảo mật thông tin cá nhân
Một điểm nữa mà người vay ít để ý khi xác nhận vay tiền, là đồng ý cung cấp toàn bộ dữ liệu cá nhân của mình cho các app được toàn quyền sử dụng. Rất nhiều trường hợp thông tin cá nhân của người vay bị rao bán trên mạng, phục vụ cho các mục đích xấu.
Ví dụ, app MoneyCat thông báo chính sách sử dụng dữ liệu cá nhân như sau:
MỤC D: DỮ LIỆU CÁ NHÂN ĐƯỢC THU THẬP
Loại dữ liệu cá nhân mà LENDTOP thu thập về Khách Hàng, cụ thể như sau: Dữ liệu cá nhân này bao gồm nhưng không giới hạn Họ tên, số điện thoại di động, hình ảnh, thông tin về Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/giấy tờ định danh khác, ngày tháng năm sinh, giới tính, email, nhãn hiệu điện thoại mà Khách Hàng đang sử dụng, địa chỉ nơi cư trú, thông tin về nghề nghiệp, nơi làm việc, thu nhập, thông tin về tài khoản ngân hàng của Khách Hàng, số điện thoại của người thân và đồng nghiệp của Khách Hàng.
MỤC E: CHIA SẺ DỮ LIỆU CÁ NHÂN
Những thông tin, hình ảnh mà Khách Hàng cung cấp cho LENDTOP khi đăng ký sử dụng Dịch vụ và những dữ liệu di động mà Khách Hàng đồng ý cho LENDTOP thu thập, có thể được chia sẻ cho các đối tượng sau đây: Các đối tác của LENDTOP, Các Công ty khác cùng Tập đoàn, Cơ quan thực thi pháp luật và bảo vệ dữ liệu, Bên mua LENDTOP.
Kết
Với sự phát triển mạnh mẽ của Fintech, các app vay tiền online ngày càng mọc lên như nấm sau mưa. Hiện pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về P2P Lending, nhưng cũng không cấm đối với hoạt động này.
Nếu thực sự cần tiền, lời khuyên của mình là nên ưu tiên tiếp cận nhóm tổ chức tín dụng như Mcredit, FE Credit, Shinhan Finance, Home Credit, Mirae Asset…
Để tránh rơi vào cảnh Squid game, người vay cần thận trọng trước khi sử dụng app vay tiền, đặc biệt đối với nhóm công ty Fintech.
Hy vọng thông tin về app vay tiền online có ích với bạn. Nếu thấy nội dung có giá trị, hãy chia sẻ với bạn bè của bạn và tham gia nhóm Phụ nữ đầu tư tài chính để cập nhật nội dung mới nhất từ 35 Plus Life nhé! Cảm ơn bạn.
—
